Tin Sức Khỏe

Ghẻ nước là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

 

Ghẻ nước là một trong những bệnh da liễu phổ biến ở Việt Nam do ký sinh trùng ghẻ gây nên. Bệnh ghẻ nước không khó chữa nhưng cần điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Ghẻ nước là bệnh gì?

Ghẻ nước (hay còn gọi là ghẻ ngứa) là bệnh ngoài da gây xuất hiện những nốt mụn nước trên bề mặt da và tình trạng ngứa ngáy khó chịu cho người bệnh. Ghẻ có thể xuất hiện tại nhiều vị trí trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là các kẽ ngón tay chân, lòng bàn tay hoặc ở vùng kín.

Nguyên nhân gây bệnh ghẻ nước

Bệnh ghẻ nước do ký sinh trùng ghẻ cái gây ra, tên khoa học là Sarcoptes Scabiei Hominis. Ghẻ cái có hình bầu dục, 8 chân, lưng có gai, đầu có vòi hút thức ăn đồng thời vòi này còn dùng để đào hầm ở. Chúng có kích thước rất nhỏ và hầu như không thể thấy bằng mắt thường. Ghẻ cái sinh sản rất nhanh, từ trứng nở thành ấu trùng con ký sinh trên da và gây bệnh. 

Chu kỳ trưởng thành của ghẻ cái là 20 ngày, khi ký sinh trên da được 3 tháng nó có thể đẻ được khoảng 150 triệu con. Lý do chỉ ghẻ cái gây bệnh vì ghẻ đực sẽ chết sau khi giao phối.

Ghẻ cái ký sinh trên da bằng cách đào hang ở lớp sừng trên da sau đó đẻ trứng. Những nơi mà ghẻ cái đào hang sẽ xuất hiện mụn nước. Chúng cũng tiêu thụ một số tế bào trên da, thường xuyên di chuyển trên các lớp biểu bì trên da tạo ra các rãnh hang, chính lượng chất thải của chúng lan rộng khắp nơi đã gây viêm nhiễm cho người bệnh. Trong suốt quá trình này người bệnh cũng cảm thấy vô cùng ngứa ngáy và khó chịu. 

Triệu chứng, dấu hiệu của bệnh ghẻ nước

Bệnh thường gặp ở những vị trí như lòng bàn tay, kẽ tay, ngấn cổ tay, cùi tay, bờ trước nách, bộ phận sinh dục, trẻ em còn xuất hiện lòng bàn chân có mụn nước. Thông thường người bệnh không phát hiện được ghẻ xâm nhập vào cơ thể sau khoảng 1 tuần gây bệnh. Các triệu chứng bệnh ghẻ nước gồm:

– Ngứa: cơn ngứa dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm do hoạt động của ghẻ đào hang hay để trứng trên vật chủ

– Da nổi nhiều mụn nước: xuất hiện mụn nước rải rác ở những vùng da mỏng, bên trong chứa dịch lỏng có thể bị vỡ ra khi gãi ngứa hay ma sát với quần áo. Mụn nước có xu hướng lan rộng ra các vùng da lành xung quanh hoặc các vị trí khác trên cơ thể, ngày càng có nhiều nốt mụn li ti dày đặc

– Xuất hiện luống ghẻ, rãnh ghẻ: xuất hiện những đường hang ngoằn ngoèo, hình chữ chi, màu trắng xám, dài khoảng 2 – 4 mm do hoạt động của con ghẻ cái khi đào hang hoặc đẻ trứng

– Trên da có thể có các vết xước, vảy da, đỏ da, rát thâm. Có thể có mụn mủ, chàm hóa.

Ghẻ nước có lây không?

Ghẻ ngứa, ghẻ nước có lây không, có dễ lan truyền từ người bệnh sang người lành không là điều mà mọi người quan tâm để có cách phòng tránh, cẩn trọng hơn. Câu trả lời là Có. Ghẻ nước là bệnh da liễu có khả năng lây truyền cao. Từ một vùng da nhỏ bị bệnh có thể lan sang các vùng da lành trên cơ thể. Ghẻ nước còn dễ lây truyền cho người khác thậm chí qua môi trường trung gian. 

Xem ngay:  Review Top 9 Xịt Chống Muỗi Cho Bé Được Yêu Thích Nhất

Con đường lây lan trực tiếp:

Ghẻ nước lây trực tiếp giữa người với người thông qua việc tiếp xúc với vùng da bị ghẻ như ôm hôn, ngồi cạnh, nắm tay, chăm sóc, tắm rửa cho nhau, quan hệ tình dục,…Đi khi việc tiếp xúc với những động vật nuôi bị bệnh cũng có thể khiến người bệnh bị lây nhiễm.

Con đường lây lan gián tiếp:

Ghẻ nước có thể lây lan nhanh khi tiếp xúc với đồ dùng của người bệnh có dính trứng, ấu trùng hoặc cái ghẻ: dùng chung đồ dùng cá nhân (quần áo, khăn mặt, mũ nón, khẩu trang,…), nằm ngủ cùng giường hay chăn đệm, ăn uống chung,…

Bệnh ghẻ nước nếu không kiểm soát dễ dẫn đến bùng dịch, từ lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình đến lây nhiễm ngoài cộng đồng. 

Bệnh ghẻ nước có nguy hiểm không?

Ngoài khả năng lây lan, bệnh ghẻ nước nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm:

– Ghẻ nhiễm khuẩn: ngoài biểu hiện trên da còn xuất hiện mụn mủ

– Ghẻ viêm da hóa: xuất hiện thêm viêm da đỏ

– Eczema (bệnh chàm)

– Viêm cầu thận cấp: biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm nhất sau khi bị nhiễm trùng

Người bệnh luôn có cảm giác ngứa ngáy khó chịu, phải gãi liên tục dễ khiến các nốt mụn nước vỡ ra, vi khuẩn từ móng tay dễ dàng xâm nhập vào da gây nhiễm trùng, lở loét da. Bệnh ghẻ nước gây ra nhiều phiền toái và bất tiện, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, ngay khi có triệu chứng bệnh không nên chủ quan mà cần sớm có biện pháp điều trị, tránh dẫn đến những hệ lụy nguy hại đến sức khỏe. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ghẻ nước

Thủ phạm gây bệnh ghẻ nước là ký sinh trùng ghẻ, thường sống ở những nơi ẩm ướt, bẩn thỉu, điều kiện vệ sinh kém. Đó cũng là lý do bệnh ghẻ nước thường phổ biến hơn ở các khu vực nhiệt đới với độ ẩm cao dễ dàng cho sự sinh sôi, phát triển của các loại ký sinh trùng. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ghẻ nước:

– Môi trường sống bị ô nhiễm: những người sống trong môi trường có nhiều khói bụi, nấm mốc, nguồn nước bị ô nhiễm dễ bị bệnh ghẻ nước

– Môi trường sống đông đúc, chật chội làm tăng nguy cơ mắc bệnh

– Vệ sinh cá nhân kém: không tắm rửa hàng ngày, da đổ nhiều mồ hôi nhưng không chú ý vệ sinh sạch sẽ,…

– Mưa bão, ngập lụt là mầm mống tạo điều kiện phát triển cho các loài côn trùng, ký sinh trùng hay các loại virus có hại

Bệnh ghẻ nước có tự khỏi được không?

Không. Nghiên cứu cho thấy bệnh ghẻ nước không thể tự khỏi nếu không được điều trị. Ký sinh trùng ghẻ vẫn sinh sôi và phát triển, đẻ trứng và đào hang dưới da gây ngứa ngáy và nhiều nguy cơ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Nhiều người thường lầm tưởng bệnh ghẻ tự khỏi nên có tâm lý chủ quan. Chỉ khi những tổn thương trên da gây nhiều phiền toái, viêm nhiễm, lở loét mới tá hỏa đi chữa trị.

Bệnh ghẻ nước không khó điều trị nhưng cần chữa càng sớm càng tốt. Những người có nguy cơ cao cần có phác đồ điều trị lâu dài để tránh tái phát. 

Xem ngay:  Top 11 thuốc trị lác hiệu quả tốt nhất, khỏi nhanh sau 2 tuần 

Cách điều trị bệnh ghẻ nước

Trước tiên cần nhớ người bị bệnh ghẻ nước cần cách ly với các thành viên khác trong gia đình, tránh tiếp xúc gần, không dùng chung đồ dùng cá nhân, quần áo, ngủ chung giường, đắp chung chăn màn với người bệnh. Người bệnh cần nghỉ ngơi tại phòng riêng và tránh đến nơi công cộng để hạn chế lây lan cho người khác. 

Điều trị ghẻ nước bằng phương pháp dân gian 

Sử dụng một số loại lá cây chữa ghẻ nước như: lá đào, lá xà cừ, lá ba chạc,… trong các loại lá cây này có chứa chất kháng khuẩn, tiêu diệt vi khuẩn cái ghẻ và phục hồi da

Trị bệnh ghẻ bằng nước muối: dùng nước muối vệ sinh vùng da bị ghẻ sẽ làm sạch, có tác dụng diệt khuẩn, han j chế nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra

Điều trị ghẻ nước bằng thuốc

Một số loại thuốc trị ghẻ phổ biến, chủ yếu là dạng thuốc bôi ngoài da: Thuốc D.E.P, kem Permethrin 5%, Benzyl Benzoate 33%, kem Eurax, kem crotamiton 10%, Ivermectin, Esdepallethrin…

Lưu ý để điều trị ghẻ nước nhanh khỏi

– Tránh cào gãi, chà xát gây vỡ mụn nước và trầy xước da dễ dẫn đến nhiễm trùng, lây lan bệnh

– Sử dụng thuốc bôi trị ghẻ ngứa nên bôi trên diện rộng và bôi trước lúc đi ngủ vào ban đêm. Đây cũng là lúc cái ghẻ hoạt động mạnh để đào hang, đẻ trứng dưới da nên cần tiêu diệt chúng

– Không nên tự ý mua thuốc điều trị ghẻ mà không có hướng dẫn của bác sĩ 

– Dùng thuốc đúng liều lượng, đúng hướng dẫn để đạt hiệu quả tốt nhất

– Giặt quần áo, đồ dùng cá nhân bằng nước nóng (chăn màn, ga giường, khăn tắm,…) phơi ngoài trời nắng to hoặc sấy khô ở nhiệt độ cao

– Giữ gìn vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày, tránh kì cọ mạnh làm vỡ mụn nước

– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hút bụi, đặc biệt là trên sàn nhà, bàn ghế, rèm cửa

Sau khi điều trị ghẻ nước bao lâu thì hết ngứa?

Đa số các trường hợp phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì tỉ lệ khỏi bệnh là > 95%. Bệnh nhân sẽ hết ngứa sau 2 đến 3 tuần và không để lại di chứng. 

Nếu không nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh ghẻ nước và sớm có biện pháp điều trị thì tình trạng ngứa ngáy, tổn thương da ngày càng nghiêm trọng và sẽ dẫn đến những biến chứng: nhiễm khuẩn, viêm da chàm hóa, eczema, viêm cầu thận cấp,…

Làm thế nào để phòng tránh bệnh ghẻ nước?

– Không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh

– Không dùng chung đồ dùng cá nhân của người bệnh: khăn lau, quần áo,…

– Vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, nhất là khi đi ngoài đường về hay tiếp xúc với nước bẩn, nước mưa

– Vệ sinh môi trường sống, đồ dùng cá nhân 

– Thường xuyên vệ sinh giường chiếu, chăn màn, quần áo bằng nước nóng và phơi ngoài nắng để trừ các tác nhân gây nên bệnh

– Vào mùa mưa nên hạn chế đi lại khi bị ngập lụt, hạn chế tiếp xúc với nước bẩn

– Giặt rửa giày dép, quần áo sạch sẽ khi đi mưa về, không nên đi tất ướt, nên mang giày dép thông thoáng,…

Lời kết: Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ bệnh ghẻ nước là gì, cách nhận biết những triệu chứng cũng như phương pháp điều trị, phòng ngừa bệnh. Nếu có dấu hiệu bị ghẻ cần sớm chữa trị để tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm!